Trẻ trước thường chơi đùa với bạn bè nay đột nhiên chỉ thích một mình, trò chơi từng gây hứng thú nay chẳng mấy ý nghĩa… có thể là biểu hiện bệnh trầm cảm.

bệnh trầm cảm

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm ở trẻ em:
– Gặp căng thẳng, trải qua mất mát.
– Rối loạn chú ý, rối loạn hành vi.
– Mắc bệnh mạn tính.
– Gặp khó khăn trong học tập.
– Nghiện thuốc lá, rượu hay ma túy.
– Gia đình có người bị trầm cảm.

Hậu quả của trầm cảm
Trầm cảm có thể để lại hậu quả lâu dài và nặng nề cho trẻ em về mặt phát triển xã hội, phát triển cảm xúc và học tập. Nếu không được điều trị, một đợt trầm cảm có thể kéo dài 9 tháng, tương đương một năm học, vì vậy rất khó để trẻ theo kịp các bạn. Trẻ trầm cảm cũng dễ nghiện rượu, thuốc lá, ma túy.
Một nghiên cứu của Mỹ so sánh giữa nhóm người bắt đầu trầm cảm ở độ tuổi trưởng thành với nhóm người từng bị trầm cảm ở tuổi ấu thơ cho thấy nhóm thứ hai gặp nhiều thiệt hòi hơn:
– Thu nhập trung bình thấp hơn, tỷ lệ tốt nghiệp đại học thấp hơn, khó tìm việc làm hơn, quan hệ gia đình và xã hội ít thành công hơn.
– Bị các đợt trầm cảm nhiều gấp đôi, tiên lượng bệnh nặng nề hơn.
– Tỷ lệ toan tính tự tử và tự tử thành công cao hơn hẳn (34% người bị trầm cảm khi còn nhỏ có toan tính tự vẫn và 7% tự vẫn thành công, so với tỷ lệ 0% ở nhóm trầm cảm khi trưởng thành).

Biểu hiện trầm cảm ở trẻ em
Buồn rầu không nhất thiết đồng nghĩa với trầm cảm. Cũng là điều bình thường nếu trẻ đau khổ khi bị mất mát hoặc buồn bã vì bị bạn bè chơi xấu, chuyện này thường chỉ kéo dài vài ngày. Nếu tình trạng rầu rĩ kéo dài vài tuần hoặc có vẻ ảnh hưởng tới các hoạt động thường kỳ và quan hệ của trẻ thì cần nghĩ tới trầm cảm. Trầm cảm không phải là sự thay đổi nhất thời của cảm xúc, đó là cảm giác vô vọng kéo dài, là sự thiếu hụt năng lượng và nhiệt tình kéo trường diễn trong vài tuần, vài tháng, thậm chí là vài năm.
Một trong các biểu hiện quan trọng của trầm cảm chính là sự bực bội mạn tính. Trẻ bị trầm cảm có thể gặp khó khăn trong quan hệ với bạn bè và gia đình, hoặc bị thay đổi cảm xúc quá mức. Chúng thường tỏ ra lãnh đạm, không có khả năng tập trung, thiếu sức sống, thiếu nhiệt huyết và không mấy khi vui vẻ. Đôi khi trẻ tỏ ra cáu bẳn, hờn dỗi, thậm chí là hung hăng. Khi đủ lớn chúng thường tự gọi mình là đồ ngốc, là người vô dụng và vô phương cứu chữa… Trẻ có thể bận rộn với các ý tưởng về chết chóc và thậm chí còn tìm cách tự tử. Trẻ vị thành niên bị trầm cảm có thể lạm dụng rượu hay ma túy, dùng những thứ này để cảm thấy dễ chịu hơn.

Biểu hiện trầm cảm khác nhau tùy theo lứa tuổi:
Sơ sinh đến 3 tuổi:
– Kém ăn, chậm lớn không do nguyên nhân thể lực.
– Lãnh đạm, không thích chơi đùa, có những cơn cáu giận, ít thể hiện các cảm xúc tích cực nói chung.
3-5 tuổi:
– Lóng ngóng, hay gặp tai nạn.
– Ám ảnh sợ hay có những nỗi sợ hãi quá mức.
– Trậm trễ hoặc thoái lui trong các mốc phát triển, ví dụ trong kỹ năng ngồi bô.
– Xin lỗi quá mức vì những sai phạm nhỏ như đánh đổ thức ăn, quên dọn đồ chơi…
6-8 tuổi:
– Có những than phiền rất mơ hồ về thể lực.
– Hành vi hung bạo.
– Bám chặt bố mẹ, tránh người lạ, ngại đối đầu với thách thức.
9-12 tuổi:
– Nói về chuyện chết chóc.
– Lo ngại quá mức về việc học ở trường.
– Mất ngủ, tự buộc tội mình vì đã khiến cha mẹ và thầy cô thất vọng.

Việc trẻ thể hiện một vài hay thậm chí tất cả biểu hiện nói trên không có nghĩa là trẻ mắc chứng rối loạn trầm cảm. Tuy nhiên, khi có các biểu hiện này, đặc biệt là nếu ở mức độ nặng và/hoặc kéo dài một tháng trở lên, cần đưa trẻ đi khám chuyên gia tâm thần nhi khoa. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp rút ngắn các đợt trầm cảm, tránh xảy ra các đợt mới và ngăn ngừa việc trẻ học kém, tự gây tổn thương hoặc tự tử.

Các dấu hiệu thường gặp của trầm cảm ở trẻ em:
– Buồn rầu, khóc lóc, tuyệt vọng trường diễn.
– Cô lập, thu mình khỏi các hoạt động từng được ưa chuộng.
– Khó chịu, bực bội hay giận dữ ngày càng gia tăng.
– Không nhiệt tình, năng nổ.
– Uể oải, mệt mỏi mạn tính.
– Quá nhạy cảm khi bị từ chối hay thất bại.
– Khó khăn trong xây dựng các mối quan hệ xã hội.
– Thường xuyên phàn nàn về sức khỏe như đau đầu, đau dạ dày.
– Thường xuyên bỏ học hoặc học kém.
– Không quyết đoán, thiếu khả năng tập trung, hay quên.
– Tự ti, mặc cảm tội lỗi quá mức.
– Thay đổi lớn trong thói quen ăn uống, ngủ nghỉ (ví dụ sụt cân mạnh, mất ngủ).
– Nói về chuyện bỏ nhà hay đã tìm cách bỏ nhà.
– Thường xuyên nghĩ về cái chết hay có ý định tự tử, tự hủy hoại cơ thể.

Chẩn đoán:
Rất may là trầm cảm có thể được chẩn đoán và điều trị ở trẻ rất nhỏ. Tuy nhiên, việc chẩn đoán và điều trị đòi hỏi sự tham gia của các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu:
– Trẻ nhỏ và tuổi mẫu giáo thường chưa có khả năng thể hiện tốt cảm xúc bằng ngôn ngữ. Vì vậy các triệu chứng trầm cảm phải được suy ra từ hành vi nhìn thấy được, thông tin thu được từ các cuộc trao đổi với phụ huynh, quan sát tương tác của trẻ với những người khác. Chỉ các bác sĩ tâm thần nhi khoa và các chuyên gia tâm lý nhi khoa mới đủ khả năng đánh giá đúng mức tình trạng bệnh.
– Với vị thành niên, cần tiến hành kiểm tra sức khỏe để loại bỏ các nguyên nhân thực thể dẫn tới hành vi nghi là trầm cảm. Khám thực thể thường bao gồm đánh giá thị lực và thính lực. Rối loạn thị lực, thính lực không được phát hiện có thể khiến trẻ có vẻ trầm cảm hay thậm chí khiến trẻ trầm cảm. Với trẻ lớn hơn, cần sàng lọc việc lạm dụng rượu và ma túy vì những tình trạng này có thể cho các biểu hiện tương tự hoặc làm khởi phát các đợt trầm cảm.

Điều trị:
Với trẻ trầm cảm mức độ vừa và nặng, tốt nhất là kết hợp liệu pháp tâm lý (ví dụ trị liệu nhận thức – hành vi) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc như Prozac hay Zoloft.
– Với các bệnh nhân nhẹ thì nên bắt đầu bằng liệu pháp tâm lý, chỉ dùng thuốc bổ sung nếu liệu pháp này không đủ hiệu quả.
– Trong liệu pháp nhận thức – hành vi, trẻ vị thành niên được giải thích rằng cách suy nghĩ của mỗi người có thể ảnh hưởng tới cảm xúc và hành vi của người đó, rằng suy nghĩ tiêu cực sẽ dẫn tới các triệu chứng trầm cảm, lo âu. Trẻ được học cách nhận biết các dấu hiệu báo trước của suy nghĩ tiêu cực và chuyển những suy nghĩ tiêu cực thành tích cực, nhờ đó trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và có ít dấu hiệu trầm cảm hơn.

Dược Bảo Phương
(Theo VnEpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

X